
Hầu hết mọi người đều biết rằng giấc ngủ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của họ. Giấc ngủ có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần,cảm xúc và đã chứng minh được mối liên hệ với chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực và các tình trạng khác.
1. Sức khỏe tâm thần liên quan thế nào đến giấc ngủ?
Giấc ngủ và sức khỏe tâm thần có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Trước đây, người ta thường xem rối loạn giấc ngủ như một triệu chứng của các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, đối với hiện tại thì giấc ngủ không chỉ là hệ quả mà còn có thể là nguyên nhân gây ra những rối loạn này.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của não bộ. Hoạt động của não thay đổi liên tục trong suốt các giai đoạn của giấc ngủ. Ngủ đủ giấc, đặc biệt là giấc ngủ REM (là giai đoạn giấc ngủ xuất hiện các giấc mơ), giúp não xử lý thông tin cảm xúc hiệu quả hơn. Ngược lại, thiếu ngủ có thể cản trở việc củng cố ký ức tích cực, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và phản ứng cảm xúc, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Một khía cạnh khác đáng chú ý là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một rối loạn khiến người bệnh ngừng thở nhiều lần trong lúc ngủ, làm giảm lượng oxy trong cơ thể và gây giấc ngủ chập chờn, không sâu. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh lý tâm thần và có thể làm suy giảm sức khỏe thể chất, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Xem thêm: Mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần
2. Giấc ngủ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Thiếu ngủ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
2.1 Trầm cảm
Thông thường, các vấn đề về giấc ngủ được coi là hậu quả của chứng trầm cảm. Người ta ước tính rằng có khoảng 75% người bị trầm cảm có triệu chứng mất ngủ và nhiều người bị trầm cảm cũng bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng giấc ngủ không chất lượng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm.
Các vấn đề về giấc ngủ và triệu chứng trầm cảm có sự củng cố lẫn nhau, điều này có thể tạo nên một vòng lặp tiêu cực – ngủ kém làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm và từ đó lại dẫn đến việc ngủ không ngon giấc – nhưng nó cũng mở ra một hướng tiềm năng mới trong việc điều trị chứng trầm cảm. Ví dụ, đối với một số người, việc tập trung vào việc cải thiện giấc ngủ có thể đem lại lợi ích giảm các triệu chứng trầm cảm.
2.2 Rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một phân nhóm của bệnh trầm cảm thường ảnh hưởng đến mọi người vào những thời điểm trong năm có ngày ngắn đêm dài. Ví dụ, những người ở vùng khí hậu phía bắc có thể bị rối loạn cảm xúc theo mùa vào mùa thu và mùa đông.
Tình trạng này có liên quan chặt chẽ đến việc gián đoạn đồng hồ sinh học bên trong hay nhịp sinh học của một người, nhằm giúp kiểm soát nhiều quá trình của cơ thể, bao gồm cả giấc ngủ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những người mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có xu hướng ngủ quá nhiều hay quá ít hoặc trải qua những thay đổi trong chu kỳ giấc ngủ của họ.
2.3 Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề về giấc ngủ. Lo lắng và sợ hãi góp phần tạo ra trạng thái kích thích quá mức khiến tâm trí luôn căng thẳng và kích thích quá mức được coi là nguyên nhân chính gây mất ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ có thể tạo ra sự lo lắng trước khi đi ngủ khiến bạn khó ngủ hơn.
Những người mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) thường xuyên tái hiện những sự kiện tiêu cực trong tâm trí, bị ác mộng và trải qua trạng thái cảnh giác, tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Giấc ngủ kém chất lượng cũng có thể kích hoạt sự lo lắng ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh này và chứng mất ngủ mãn tính có thể là một đặc điểm dễ mắc phải ở những người mắc chứng rối loạn lo âu.
2.4 Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực bao gồm các giai đoạn tâm trạng cực đoan có thể ở mức cao (hưng cảm) và thấp (trầm cảm). Ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thói quen ngủ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc của họ. Trong giai đoạn hưng cảm, họ thường cảm thấy ít cần ngủ hơn, nhưng trong giai đoạn trầm cảm, họ có thể ngủ quá nhiều.
Các vấn đề về giấc ngủ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm và do mối quan hệ hai chiều giữa rối loạn lưỡng cực và giấc ngủ nên việc điều trị chứng mất ngủ có thể làm giảm tác động của rối loạn lưỡng cực .
2.5 Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một rối loạn sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi khó khăn trong việc phân biệt giữa những gì có thật và không có thật. Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có nhiều khả năng bị mất ngủ và rối loạn nhịp sinh học. Các vấn đề về giấc ngủ có thể trầm trọng hơn do thuốc dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Ngủ kém và các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt ảnh hưởng lẫn nhau, do đó khi sức khỏe ổn định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người mắc chứng bệnh này.
2.6 Rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến việc giảm khả năng chú ý và tăng tính hiếu động. Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở những người mắc ADHD, họ có thể gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức giấc và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Những khó khăn về giấc ngủ liên quan đến ADHD chủ yếu ở trẻ em nhưng cũng được phát hiện là ảnh hưởng đến cả người lớn. Giấc ngủ ngoài việc là hậu quả của ADHD, thì các vấn đề về giấc ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như giảm khả năng tập trung hoặc có các vấn đề về hành vi.
2.7 Rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một thuật ngữ bao gồm một số tình trạng phát triển thần kinh ảnh hưởng đến giao tiếp và tương tác xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc ASD có tỷ lệ mắc các vấn đề về giấc ngủ cao hơn bao gồm mất ngủ và rối loạn hô hấp khi ngủ và chúng có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh này. Việc giải quyết chứng mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác sẽ giúp giảm tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng như các vấn đề sức khỏe và hành vi khác ở những người mắc ASD.
Mối quan hệ đa chiều giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần liên quan mật thiết đến nhau. Các bước cải thiện giấc ngủ có thể phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phương pháp điều trị tối ưu cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần và giấc ngủ. Các tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, nên điều quan trọng là phải được chăm sóc đúng cách, bao gồm việc khám bác sĩ chuyên môn cũng như tạo các thói quen ngủ lành mạnh.
Nguồn tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/mental-health